Đồng bào ta, đặc biệt là người cư ngụ ở phía nam Tổ quốc rất yêu sử học với lý do riêng: là đất khẩn hoang, “đất mới” lại là đồng bằng nên cái gọi là văn hóa vật thể rất ít, nhiều khi người trẻ dễ sinh ra mặc cảm. Chùa chiền, lăng mộ, bia đá rất ít so với miền Trung, miền Bắc. Tuy vậy, đình chùa, miếu được giữ gìn khá nhiều mặc dầu chiến tranh tàn phá nặng nề. Vì yêu lịch sử, đồng bào nông dân thích kể chuyện xưa, nhiều nhất là thời Tây Sơn, Nguyễn Ánh hoặc chuyện cổ dân gian. Lịch sử phía nam không dày nhưng dấu ấn khá nhiều. Nhất là việc khẩn hoang, giữ nước và xây dựng nước thì rõ ràng là hào hùng: từ đồng cỏ, rừng rậm hoang vu, nhiều rắn rết, muỗi mòng, ông cha ta đã lần hồi tạo nên miệt vườn và đồng lúa với khối lượng cây trái được cả nước chú ý, chưa nói đến sản lượng lúa gạo, tôm cá từ đồng ruộng, sông rạch đến biển, hải đảo.
Sự màu nhiệm ấy cần được giải thích cặn kẽ hơn. Từ sau ngày giải phóng đất nước, sách vở, tư liệu về lịch sử được phổ biến khá nhiều, ta gọi là “xã hội hóa sử học”.
Sự thật là việc mở nước của ta là tổng hợp sinh lực của đồng bào cả nước, từ xưa. Muốn hiểu tương đối rõ, phải hiểu sử của cả nước trong đôi ba thế kỷ gần đây, không thể bám mãi vào giai thoại địa phương.
Người yêu lịch sử, người giảng dạy lịch sử cần tham khảo tư liệu, những tư liệu gốc mà trước đây cũng như ngày nay rất khó tìm, nhất là đối với người yêu sử ở các tỉnh xa xôi. Nào Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục, Quốc triều chính biên, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí tuy in ấn khá nhiều nhưng khó phát hành. Nơi trưng bày để bán thì ít người mua, nhưng những người yêu sử chịu khó đi tìm, chịu tốn kém thì chẳng biết tìm ở đâu. Nhất là người ở vùng sâu, vùng xa hằng năm “sống chung với lũ”.
Đọc sử, học sử cần tư liệu gốc, cần sống với địa phương, nhờ đó mà ta có hy vọng để bổ túc, phát triển thêm về lịch sử dân tộc.
Trong hoàn cảnh mọi người đang gặp ít nhiều khó khăn về kinh tế, không có thời gian để nghiên cứu thì may thay, ở vài tỉnh đã xuất hiện vài nhà nghiên cứu chịu khó quan tâm. Đọc sử thì cần đối chiếu với địa phương. Yêu địa phương thì cần đọc sử để xem địa phương mình gắn bó với cả nước như thế nào.
Sử của ta, riêng về công cuộc mở nước, đã có bề dày quan trọng. Nhớ lại từ khi bước qua Đèo Ngang đến ngày vào Phan Thiết, Hà Tiên, đã hy sinh hàng sáu, bảy thế kỷ chớ nào phải là chuyện nhanh chóng.
Để tạm gọi là bổ sung tư liệu cho người lớn tuổi, cho các bạn trẻ, cho các giáo viên giảng dạy lịch sử, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiếu, người từng gây được tiếng vang tốt qua những công trình về Đồng Tháp Mười, về với Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương), với Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Đoàn Minh Huyên và những giai thoại dân gian về Đồng Tháp Mười, đã sưu tầm, biên soạn và giới thiệu cuốn sách Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất phương Nam.
Lần này ông chọn một chủ đề khái quát hơn, công trình về cuộc mở cõi phương Nam là một bước khó khăn hơn. Tập sách này tuy số trang ít nhưng công phu thì nhiều, hy vọng sẽ làm hài lòng các bạn yêu sử vì có tương đối đủ những tư liệu gốc đáng tin cậy nhất.
Công việc này còn dài, cần sự khích lệ của bạn đọc và cần sự đóng góp thêm sau này, nhất là của các bạn trẻ,
để sử học không còn là công thức sáo mòn, mà là một ngành khoa học xã hội sống động, gắn bó hữu cơ với cuộc sống hằng ngày.
Ngày 30/4/2001.
Sơn Nam